Cậu Hai Nhà Họ Bùi



Chủ tớ hai người đi đến một hiệu vải lớn nhất nằm ngay giữa trung tâm chợ xã, hiệu vải này có tiếng tăm lâu đời, chuyên dệt các loại vải thượng hạng như vải lụa tơ tằm, vải gấm, nhằm phục vụ cho vua chúa, hoặc các tầng lớp quý tộc, con nhà quan văn, võ, hay chọn lui đến nơi này để đặt vải, may áo dài, áo tứ thân, đa số là may vào những dịp lễ hội hoặc lễ cưới.

Ông chủ của hiệu vải này rất tinh ý, vừa thấy chủ tớ hai người vừa bước vào đã biết cậu Hai là khách lớn ghé thăm, lão cười niềm nở, lão không vòng vo đi thẳng vào vấn đề, giới thiệu cho cậu Hai những mẫu vải bán chạy nhất dạo gần đây, cậu ngắm nghía một hồi lâu mới chọn được hai sấp vải gấm màu xanh dương và màu trắng, lão khen cậu có mắt nhìn, hai màu cậu chọn cũng là hai màu được bán ra nhiều nhất của tiệm, và cũng thật may vì hai sấp vải cậu chọn là hai sấp cuối cùng rồi, cậu mà đi trễ hơn một chút thì chỉ có nước tiếc hùi hụi nhé.

- Ông chủ ơi, hai sấp mà cậu tui lựa bao nhiêu thế?
- Mười lăm quan một sấp, hai sấp bằng ba mươi quan tiền.

- Hả? Đắt vậy sao.

Lợn thảng thốt trước giá trị của hai sấp vải, một quan bằng sáu mươi tiền, một tiền bằng sáu mươi đồng, ba mươi quan là một nghìn tám trăm tiền, trời ơi con số này chắc bằng ba năm tiền công của thằng Lợn mất rồi, nghĩ cũng không dám nghĩ, đếm số lượng đúng là nhiều đến hoa cả mắt.

Thấy Lợn mặc cả, ông chủ mới giải thích đây là loại vải gấm thượng hạng, được dệt kì công, một sấp mà cậu hai cầm trên tay là thợ phải mất gần nửa tháng mới dệt xong, nhanh dữ lắm cũng tầm tám đến mười ngày với điều kiện là người thợ phải dệt ngày dệt đêm mới xong thành phẩm, ba mươi quan cũng là xứng đáng với công sức mà người thợ bỏ ra, Lợn lấy ba mươi quan đưa cho ông chủ, cậu bảo nó lấy thêm một quan để thưởng cho những người thợ đã dệt ra vải này.

Tính tiền xong còn phải đợi đóng gói hai sấp vải lại, cậu với Lợn tranh thủ ngắm qua những sấp vải khác, lâu lâu mới có cơ hội ra chợ xã, ngắm được cái gì thì hay cái đó, đi dạo vòng quanh tiệm vải, đập vào mắt thằng Lợn là tấm vải phi màu hồng cánh sen được treo trên giàn kệ, Lợn muốn đưa tay để sờ thử chất vải nhưng rồi lại rút tay lại, tấm vải đẹp như vậy chắc hẳn là đắt tiền, tay Lợn toàn mồ hôi sợ chạm vào sẽ làm bẩn mất.

Nhưng chỉ cần cảm nhận bằng mắt cũng biết loại vải đó mềm mịn, trơn bóng, nếu dùng để may áo yếm cho bu Thắm thì chắc đẹp lắm, còn nhiều loại vải khác đẹp không thể chối từ, Lợn ước một ngày nào đó sẽ mua được một sấp vải ở đây để may đồ cho bu Thắm và em, và may đồ đẹp cho cả Lợn nữa, chắc là thích lắm, Lợn khao khát đến điên lên mất.

- Mày thích hả?
Cậu đứng sau lưng Lợn quan sát từ nãy đến giờ, chỉ do Lợn chăm chú nhìn ngắm vải nên không để ý đến, Lợn bị cậu làm cho giật hết cả mình.

- Dạ thích.

- Mày là con trai mà thích vải màu hồng?
- Dạ không phải cậu ơi, con con con! Con chỉ nghĩ là vải này mà mua về may yếm cho cô cả với cô út thì đẹp phải biết thôi.

- Đến cả chị cả với cô út thích màu gì mày cũng biết, mày là để ý một lần hai người?
- Cậu hay vậy quá à, ý của con đâu phải như vậy mà con nói cậu cũng không hiểu! Nói chung là không phải như cậu nghĩ đâu cậu ơi.

Lợn phân trần nhưng mà cậu cứ không vui như vậy đấy, cậu Hai của Lợn đáng nhẽ phải là "Cậu Ba", Cậu Ba khó, khó ở khó chiều và khó chịu.

Ông chủ đem hai sấp vải được đóng gói cẩn thận xong, cậu Hai bảo Lợn vác cho bằng hết rồi ngoắt tay ra hiệu cho Lợn là đi tiếp, hai sấp vải coi vậy mà nặng gớm, tuy vậy nhưng vẫn chưa làm khó được Lợn, vác thì vác, cái thây to lớn của cậu Hai, Lợn cũng vác qua rồi nói chi là hai sấp vải.

Cậu Hai đi qua sạp thịt heo, mua mười lạng ba rọi, cậu Hai đi qua sạp rau củ, mua hai trái bí đao bự bằng bắp tay của Lợn, cậu hai đi qua sạp trái cây, mua một quả dưa hấu to hơn cái đầu của Lợn, cậu Hai đi qua chỗ bán gà, mua thêm hai con gà trống, cậu Hai đi qua lò rèn chuyên về vũ khí, mua một cái chùy, nặng bỏ bố ra, Lợn biết ý cậu Hai là đang gây sự, thật tình là không biết mình lại chọc giận gì cậu Hai khó tính khó nết này nữa.

- Cậu ơi, cậu mua xong chưa? Hay mình về nha cậu, mình về trễ thế nào con cũng bị bà quở trách.

- Cậu mày vẫn mua chưa xong.

- Cậu ơi, cậu còn muốn mua gì?
- Một cái lưới bắt cá.

- Cái đó ở nhà con có, cậu cần thì về nhà con đưa cho cậu.

- Cậu còn muốn mua một cái bàn tính bằng gỗ.

- Không cần không cần, con tính còn lẹ hơn cái bàn tính tiền của cậu, hay mình về nha! Con van cậu, con xin cậu.

- Vậy cậu mày muốn mua một sợi dây thừng.

- Mua dây thừng để làm gì hả cậu?
- Để cậu trói mày lại bên người cậu, không cho mày ra ngoài để rù quến con gái nhà lành.

- Cậu! cậu thật là, con không cãi với cậu nữa, cái gì cậu cũng nói được hết.

Cậu giận cậu dỗi, cậu xách đầu Lợn đi mua bằng được mấy cái khi nãy cậu vừa đòi rồi mua thêm chai rượu đế, khi nhìn thấy Lợn van xin, nài nỉ cậu mới ưng bụng, cậu cũng hả giận cậu rồi, cậu mới chịu đi về, cậu còn giúp nó xách hai con gà trống nữa, thấy cậu thương nó ghê không? Thằng Lợn phúc phần ba đời mới đầu thai làm người hầu cho cậu, làm người hầu cho nhà khác khéo còn không nhận được đãi ngộ như thế này đâu, hai chủ tớ mất tới cả buổi mới lếch xác ra tới bến sông, lên được đò rồi Lợn giống như người chết đuối với được cái phao.

Lợn nhanh nhảu cầm hai cái quai chèo, muốn chèo một mạch về tới nhà luôn để còn kịp lo cơm nước cho bu em, chèo được giữa đường tự nhiên Lợn thấy một hiện tượng lạ, hình như là cái đò đang chìm xuống hay sao á, Lợn nhìn dáo dác một lúc rồi kêu lên.

- Trời ơi là trời, cái lỗ to tướng này ở đâu ra vậy?
- Chuyện gì vậy?
- Dạ thưa cậu, đò bị thủng lỗ rồi.

Cậu hoảng hốt ôm lấy hai con gà trống.

- Mày, mày mau tìm cách đi.

- Cậu đừng sợ, bình tĩnh để con tìm cách.

Cái lỗ to bằng hạt mít, nước đang ngày một trào lên, Lợn lấy tay chụm lại hất nước ra ngoài, Lợn hất bao nhiêu nước ra thì nước ở dưới cứ trào lên từ cái lỗ tiếp, Lợn khổ sở nhìn xung quanh thì thấy bên tay trái có một mảnh đất trống, Lợn đã có cách, bây giờ trước tiên chỉ cần tấp vào cái bờ bên đó rồi tính tiếp, nhưng mà làm cách nào để bịt tạm cái lỗ thủng này để nước không trào lên nữa? Lợn đắn đo suy nghĩ.

- Cái chai rượu, mày lấy cái nút chai bịt lại cái lỗ thử xem.

Cậu gợi ý, phải ha, cái nút bần trên chai rượu được làm từ gỗ, có thể chống nước trào lên, Lợn chụp ngay cái chai đổ hết rượu ra ngoài rồi lấy cái nút bần bịt cái lỗ lại, quả nhiên nước tạm thời sẽ không trào lên nữa, Lợn thở phào một hơi thật dài rồi tấp vào cái bờ đất trống đó, cậu thì tiếc hùi hụi cái chai rượu cậu mới mua chưa kịp lên mồi để bị thằng Lợn đổ hết xuống sông, coi như Lợn trả đũa cậu đủ ác.




Nhấn để mở bình luận

Cậu Hai Nhà Họ Bùi