Nhà Nơi Trấn Nhỏ


Edited by Gracie- Quả dứa có gai

Đêm qua sau khi về nhà, A Hạ ngủ một mạch đến trưa mới dậy, lại bị mẹ nàng mắng cho một trận. Hai ngày này nàng bị giữ ở nhà, cùng mẹ làm quạt giấy và ô giấy dầu. Đến lúc đó có thể mang tới hội chùa để bán, tranh thủ làm càng nhiều càng tốt.

Mãi tới khi A Hạ mài đến mức đầu ngón tay cũng sắp bị chai, thì ngày hội chùa mới tới, cuối cùng cũng không cần dán mặt quạt nữa, trời vừa tối nàng đã nằm lên giường đi ngủ. Không cần ai gọi, canh năm vừa đến là lập tức thức dậy.

Mẹ Phương đang thu thập đồ đạc ở bên dưới không khỏi buồn cười, "Con đó, ngày thường bảo con dậy sớm thì cứ nằm ườn mãi, giờ có chuyện náo nhiệt để xem, lại không ngủ được rồi."

"Còn không phải do hai tháng mới có một lần sao ạ, nên hôm nay con dậy sớm một chút cũng đâu hề gì."

A Hạ trả lời một cách đúng lý hợp tình, chỉ là vẫn luôn ngáp liên tục không ngừng. Mẹ Phương thấy vậy liền nói: "Lên thuyền rồi lại chợp mắt một lát, bữa sáng đến hội chùa ăn."

"Vâng."

Cả nhà, trừ Phương Giác, đều đi ra ngoài, người ôm chậu gỗ, kẻ kéo theo rương, bọn họ còn cố ý đi nhẹ nói khẽ, thế nhưng vừa ra khỏi cửa, họ mới phát hiện bên ngoài nhà nhà đều đã thắp sáng đèn.

Ngày thường vào lúc canh năm, con đường này rất quạnh quẽ, thỉnh thoảng chỉ nghe được vài tiếng mèo kêu, chó sủa, song nửa cái bóng người cũng chẳng nhìn thấy.

Nhưng lúc này, lũ trẻ con đang nhảy nhót ở đằng trước, người lớn thì tay xách nách mang đủ thứ đồ đạc, từng chuyến từng chuyến vận chuyển ra ngoài, các cửa lớn đối diện phố đều mở toang, vọng ra một loạt những tiếng nói cười rôm rả.

Bọn họ vừa ra ngoài đã có hàng xóm dụi mắt chào hỏi, "Đại Phúc, các ngươi cũng dậy sớm thế à? Định bán cái gì vậy?"

Cha Phương dừng lại, đáp lời: "Mấy thứ đồ kia của ta khó mang theo, nên cũng không bán gì. Chỉ là Tiểu Cần và cha ta làm được kha khá ô và quạt, với vài món đồ chơi gỗ, nên chúng ta cùng đi phụ bán, tiện thể nhìn xem có gì tốt thì mua."

"Ôi dào, đúng vậy đấy, vì mấy thứ này mà ta đã phải dậy từ lúc canh ba, mấy người bọn ta bận rộn mãi đến giờ mới xong."

Người nọ vừa đi vừa nói chuyện, thi thoảng lại có vài người hàng xóm bên cạnh phụ họa. Càng tiến về phía sông Minh Nguyệt, càng có nhiều người theo sau.

A Hạ nhìn qua, sông Minh Nguyệt vốn có đường sông khá rộng rãi, nhưng giờ đây lại chật kín những thuyền bè lớn nhỏ khác nhau, đầu chạm đầu, đuôi chạm đuôi, nếu muốn đến được thuyền nhà mình, bọn họ phải đi qua đầu thuyền của những người khác.

Ông nội chẹp miệng, "Mọi người đều tranh nhau tìm chỗ đẹp đây mà, đến lúc đó e là đường thủy sẽ bị ùn tắc thuyền bè mất."

Cảnh tượng như này, ngoài hôm nay ra, thì cũng chỉ có khi đua thuyền rồng vào Tết Đoan Ngọ hay ngày đoàn viên cuối năm mới có thể nhìn thấy.

Mắt thấy người càng lúc càng đông, tiếng ồn ào bên bờ sông như tiếng ve kêu trong ngày hè khiến người ta khó chịu, một nhà bọn họ cũng không nói chuyện nữa, nhanh chóng bước lên cầu tàu lắc lư, rẽ trái rẽ phải để đến chỗ thuyền nhà mình.

A Hạ không chui vào khoang, mà đứng ở đầu thuyền ngó xem thuyền của mấy người Hiểu Xuân ở đâu. Nàng tinh mắt, ngay lập tức nhìn thấy Sơn Đào ở phía trước không xa đang ngoái lại nhìn, liền vẫy tay chào.

Sơn Đào cũng vẫy tay, gọi lớn: "A Hạ, lát nữa ta ở bên bờ chờ ngươi."

"Được!"

Mấy người còn lại nghe thấy tiếng gọi cũng lần lượt thò đầu ra, vẫy tay chào nhau.

Mẹ Phương nhìn bộ dạng cười đùa vui vẻ, nhảy nhót không ngừng của bọn nhỏ, cảm thán với bà nội ở bên cạnh, "Tuổi trẻ thật là tốt!"

"Đúng vậy, như ta đây xương cốt già rồi, không nhảy nổi nữa."

Bà nội đấm đấm vào lưng và vai mình, A Hạ vừa tiến vào liền hỏi, "Xương cốt già gì vậy ạ, thái bà thấy mỏi sao, để con xoa bóp vai cho bà nhé."

"Ôi chao, cháu gái nhỏ nhà ta từ nơi nào đến vậy, sao lại ngoan thế này!"

"Nương, người đừng khen con bé nữa, khen nữa là cái đuôi của nó sẽ vểnh lên tận trời đó," mẹ Phương ngoài miệng ghét bỏ, nhưng trong lòng lại rất vui vẻ khi thấy con gái hiếu thảo, nàng ấy lấy từ trong tay áo ra một túi tiền đồng, đặt lên bàn, rồi nói: "Lát nữa con tự đi chơi với tụi Sơn Đào nhé, không cần quay lại trông sạp đâu. Này, cầm tiền của con, muốn mua gì thì mua."

A Hạ bước tới vài bước rồi bổ nhào lên lưng mẹ Phương, vòng tay ôm lấy cổ mẹ mình, "Nương, người thật tốt!"

"Nếu tốt thật thì cũng đấm lưng cho ta đi."

"Được ạ!"

Sau một hồi đùa giỡn, con thuyền của họ mới có chút động tĩnh, A Hạ thò đầu ra xem, cúi xuống không nhìn thấy nước, trông ra xa cũng toàn là thuyền, kẹt cứng như này, e rằng lúc đến được chùa Thiên Quang thì trời cũng đã sáng.

Thuyền đi chầm chậm, thỉnh thoảng còn dừng lại, chờ khi nhìn thấy ngọn tháp chùa Thiên Quang, tiếng người ồn ào như tiếng mười cái chuông lớn cùng lúc gõ vang, đinh tai nhức óc. Nhìn ra xung quanh, đâu đâu cũng là những chiếc thuyền nối đuôi nhau, cảnh tượng vô cùng đồ sộ.

A Hạ tặc lưỡi, rồi nhanh chóng thu hồi tầm mắt, theo cha nàng đi về phía trước, khi chen chúc trong đám đông, nàng cảm tưởng như mũi mình sắp bị ép lệch.

Giày còn bị giẫm rơi một chiếc, nàng nhanh chân đá nó đến dưới gốc cây bên cạnh, đến khi quay đầu lại thì phát hiện ra mấy người cha mẹ đã không thấy đâu nữa, chỉ còn thấy biển người đông nghịt.

Nàng đành ngồi xổm ở đó chờ bọn Hiểu Xuân, trong lúc đợi, nàng bắt đầu đếm xem trên sông rốt cuộc có bao nhiêu con thuyền, đang đếm hăng say thì bất ngờ bị ai đó vỗ vào lưng, làm nàng giật mình quay đầu lại.

Sơn Đào khó hiểu hỏi: "Ngồi xổm chỗ này làm gì vậy, ta với Hiểu Xuân gọi to thế mà ngươi cũng không nghe thấy."

Nàng cười chột dạ, "Còn không phải do không tìm thấy ai, nên ta đành ngồi ở đây chờ à. Đi ăn sáng trước đi, ta đói muốn xỉu rồi."

"Được thôi, kiếm xem có nhà nào bán đồ ăn sáng không."

Hiểu Xuân từ phía sau vươn tay đặt lên vai A Hạ, vừa nhìn khắp xung quanh, nhưng tiếc là ngoại trừ biển hiệu chùa Thiên Quang vàng chói và áo quần những người đi lại tung bay, thì ba người các nàng chẳng thấy gì khác cả.

Ba người chỉ có thể nắm tay nhau để tránh bị đám đông xô đẩy mà đi vào trong chùa. Chùa Thiên Quang rất rộng, vừa vào cổng là một đình viện thật lớn, tiếp đến là các Phật điện lớn nhỏ khác nhau tọa lạc ở phía sau.

Những người bán rong bày sạp trên khoảng đất trống, sợ mọi người không nhìn thấy rõ, nên ở mỗi quầy hàng đều có cắm cờ, trên đó viết vài chữ ngắn gọn hoặc là vẽ hình, gió thổi qua làm lá cờ bay phấp phới.

A Hạ bị chen đến rã rời, bèn nhìn qua khe hở giữa những bộ quần áo, thấy trên mặt đất có một tấm biển, nàng tập trung nhìn kỹ, đến mức nếu không nhờ Hiểu Xuân kéo nàng lại thì suýt nữa đã bị người đằng sau giẫm lên chân.

"Chúng ta qua bên kia ăn đi, có bán đồ ăn sáng."

Nàng nói xong, ba người bọn họ cố gắng chen từ sườn bên này qua, khi đến trước sạp bán đồ ăn sáng, búi tóc cũng đã có chút rối loạn. A Hạ thở ra một hơi, mới nhìn rõ bên cạnh là sạp bán cơm nắm.

Một chiếc thùng gỗ lớn phủ đầy dấu vết thời gian, bên trên đậy một lớp vải trắng, phía dưới có một bếp lò đang hấp cách thủy, hơi nóng bốc lên, tỏa ra mùi thơm của gạo nếp.

Bên cạnh còn kê một chiếc bàn, trên đó bày mấy hũ sứ Thanh Hoa cỡ lớn có miệng rộng, tất cả đều đựng những nguyên liệu phụ để cho vào cơm. Người làm cơm nắm là một bà lão, vừa tiễn khách trước đi thì thấy bọn nàng đứng đó, liền nở nụ cười lộ ra vài nếp nhăn trên mặt, "Các cháu gái ăn gì nào?"

"A bà, chúng cháu muốn ba cái, mấy nguyên liệu ở đây đều cho thêm một ít ạ."

A Hạ vừa rồi đã thăm dò xong, nên thay mặt cả bọn trả lời.

"Được, các cháu đợi chút nhé."

Bà lão trải trên thớt một tờ giấy dầu, sau đó xốc lớp vải bố trắng lên, múc từ trong thùng gỗ ra một nắm cơm nếp trắng tinh, đặt lên giấy dầu và dàn đều. Lấy từ trong hũ ra một ít nguyên liệu ăn kèm rồi rắc lên cơm, gồm một ít dưa muối, vụn bánh quẩy, trứng thái sợi, và quan trọng nhất là rắc thêm chà bông cá.

Những gia đình sống gần biển gần sông chẳng hề thiếu cá, vấn đề họ quan tâm là làm thế nào để ăn cá cho thật ngon miệng. Có người liên tưởng đến món chà bông gà, nên đã nghĩ ra cách làm chà bông cá.

Dùng cá quế lớn đã được xử lý sạch sẽ, đặt lên xửng tre hấp chín, sau đó lọc bỏ da, xương và xương dăm. Cho dầu mè vào nồi, đun nóng, rồi cho thịt cá đã cắt nát vào xào, nhưng chỉ xào mỗi thịt cá thôi thì không ngon, nhất định phải thêm muối và rượu.

Làm chà bông cá mấu chốt là phải sấy khô. Cho thêm tương ngọt, gừng băm và dưa sợi vào, xào với lửa nhỏ. Khi thịt cá đã không còn chút nước nào, trở nên vàng ươm thơm giòn và kết dính lại thành sợi là được. Rắc chà bông cá lên cơm nắm sẽ giúp tăng hương vị cho món ăn.

Cho tất cả các nguyên liệu vào, thêm chút cơm rồi nắn chặt, khi mở tờ giấy dầu nhăn dúm dó ra, bên trong lộ ra một nắm cơm nhỏ chắc nịch. Miếng đầu tiên chỉ thuần là vị gạo nếp, không có gì quá đặc biệt.

Lại cắn thêm vài miếng nữa, đầu lưỡi trước tiên cảm nhận được hương vị chà bông cá, vừa chạm vào là tan ngay, mặn mà và thơm ngon. Vụn bánh quẩy giòn giòn, phát ra tiếng rồm rộp, trứng thái sợi được tẩm thêm chút nước tương, về phần dưa muối cũng rất ngon, không bị quá mặn.

Chỉ với vài nguyên liệu như vậy, món cơm nếp vốn nhạt nhẽo đã trở nên ngon miệng. Mặc dù ăn ngon, nhưng A Hạ phải thừa nhận rằng nếu không có gì để uống kèm, thì thực sự rất dễ bị nghẹn.

May thay, bà lão còn bày một bếp lò nấu sữa đậu nành. Ba người họ chen chúc ngồi vào chiếc bàn nhỏ ở phía sau, mỗi người uống một chén sữa đậu nành nóng hổi, rồi lại ăn một miếng cơm nắm, ngắm nhìn dòng người tấp nập.

Chờ khi bụng đã no nê, lúc này trời cũng đã hoàn toàn sáng rõ, nhóm A Hạ rời khỏi sạp hàng nhỏ, đi dạo từng gian hàng một.

Các sạp bán đồ ăn sáng thường nối tiếp nhau, có sạp đặt chảo dầu nóng, người bán nhào bột thành từng sợi rồi chiên thành bánh quẩy. Bánh quẩy mới chiên xong, dầu còn chưa kịp ráo, nhỏ trở lại chảo sắt làm bắn lên những giọt dầu li ti. Bánh được đặt lên giá tre, vàng ươm và xốp giòn.

Có người lại bán bánh bao, xếp các xửng tre thành chồng cao, thông khí từ trên xuống dưới, mỗi tầng lại là một hương vị khác nhau: bánh bao đậu phụ cải muối, bánh bao đường, bánh bao thịt, du bao (bánh bao mỡ). Trên bàn bên cạnh còn bày không ít xửng tre khác, tất cả đều là những chiếc bánh bao đã được gói sẵn. Chỉ cần lửa dưới bếp lò không tắt, bánh bao sẽ luôn được hấp đến nhân chín, vỏ mềm.

Có người muốn bớt việc hơn, trực tiếp dùng một cái lò đất thật lớn để nấu trứng trà. Trấn Lũng Thủy không thiếu lá trà, trên núi có rất nhiều vườn chè nối tiếp nhau. Trà vụn bán không được giá, nhưng dùng để nấu trứng luộc nước trà thì lại rất phù hợp, như vậy sau khi nấu xong, lòng đỏ trứng sẽ mang hương thơm thoang thoảng của trà.

Dạo qua một loạt sạp bán đồ ăn, ở cuối là bậc thang dẫn lên miếu cầu con. Các nàng cũng không vì xấu hổ mà vội vàng rời đi, ngược lại còn dựa vào tượng đá nhìn lên bậc thang.

Quả nhiên có một người phụ nữ ôm theo cặp song sinh đến đây lễ tạ thần, việc này ở miếu cầu con cũng không phải là chuyện hiếm lạ gì. Nói ra cũng thật kỳ quái, những ngôi miếu khác cùng lắm là cầu một được một, nhưng đến tòa miếu này, mười người cầu thì ba người mang thai, và đều là song thai. Người đến cầu càng nhiều, trấn Lũng Thủy càng có nhiều người mang song thai, ai cũng bảo linh nghiệm, nhưng chẳng ai biết tại sao.

Sơn Đào và Sơn Nam cũng là do mẹ Hạ cầu mà được, nàng ta rất thành tâm, cầu khấn suốt một tháng, đến cuối tháng thắp hương xong thì mang thai. Vì vậy, hàng năm nàng ta đều dẫn Sơn Nam và Sơn Đào đến đây tạ lễ.

Thế cho nên, đôi tỷ đệ này có thể không quen thuộc với các chùa miếu khác, nhưng với tòa miếu này thì từ số lượng tượng Phật cho đến viên gạch nào bị nứt, bọn họ đều biết rõ như lòng bàn tay.

A Hạ nhìn Sơn Đào, gật gật đầu và nói: "Quả nhiên linh nghiệm."

"Vậy khi nào ngươi thành thân, cũng đến nơi này cầu con nhé."

Sơn Đào vừa nói vừa vòng tay ôm lấy cổ A Hạ, cười hì hì. A Hạ liếc xéo nàng ấy một cái, chỉ thốt ra ba chữ, "Không biết ngượng."

Khiến Hiểu Xuân muốn cười nhưng chỉ có thể nghẹn lại.

Quả thật hiện tại mà bàn đến chuyện hôn sự của ba người các nàng thì vẫn còn quá sớm, chỉ là trong nhà cũng sẽ tìm kiếm vài mối tốt để xem xét. Ở trấn Lũng Thủy, hiếm có ai vừa qua tuổi mười lăm đã thành thân, điều đó trong mắt mọi người sẽ bị coi như là vội vàng gả đi. Bởi vì đại đa số gia đình trong trấn đều khá giả, cho nên con gái nhà họ đương nhiên cũng là bảo bối. Bọn họ không nỡ gả con gái đi sớm như vậy, đều phải chuẩn bị đầy đủ của hồi môn, kéo dài đến khi không thể kéo dài thêm được nữa mới chịu để con gái lấy chồng.

Sau khi rời khỏi miếu cầu con thì không ai nhắc lại những lời này nữa, trước miếu cũng có một dãy các hàng quán, người vây xung quanh rất nhiều.

Càng là những nơi đông đúc, các nàng càng không né tránh, mà ngược lại còn muốn chen lên để xem xem rốt cuộc là bán cái mặt hàng gì hiếm lạ.

Đợi khi chen vào mới thấy, hóa ra là sạp phác mại lấy đồ vật, đoán đúng sẽ được tặng đồ vật miễn phí.


Nhấn để mở bình luận

Nhà Nơi Trấn Nhỏ