Những Mùa Táo Nở Hoa





Sương sớm đọng không tan trên gác mái
Em tự hỏi mùa hè đã đi đâu
Dẫu cái nắng thiêu tay em bỏng rát
Vẫn dịu dàng hơn thu mang đến muộn sầu

Bóng Hà Nội tràn dâng đôi mắt nâu
Đôi mắt ngày xưa em nhìn tôi khắc khoải
Thành phố dịu êm đi qua đồng thoại
Câu chuyện ngày mưa chưa kể lại bao giờ

Bao năm rồi viết tiếp những miền mơ
Để không thể nhận ra tất cả là quá khứ
Hương cốm thơm vấn vương từng con chữ
Cho ngẩn ngơ khóc ngặt mối tình đầu

Và ta sẽ còn lại gì nữa đâu
Nếu một mai góc phố tan đi mùi hoa sữa
Vần thơ lặng thinh nép mình bên khung cửa
Khóa chặt nỗi lòng mãi chẳng thể thành câu

Hà Nội chông chênh bên bến bờ thương nhớ
Cứ đợi một người mãi không thể quay về...

***

Viết bài này vì mình nhớ K109 Văn, và nhớ những tác phẩm văn học quằn quại mà chúng mình đã viết và đã làm xuyên suốt 3 năm cấp 3 có thể tính là huy hoàng. Bài thơ này được truyền cảm hứng dựa trên kịch bản kịch mà hai đứa bạn cùng lớp của mình đã viết để diễn vào đêm SNIGHT, kết thúc chuỗi ngày hoạt động Sparkling thường niên kỉ niệm ngày thành lập trường. Có lẽ trong ba năm cấp ba thì điều may mắn nhất của mình chính là được tham gia vào chuỗi hoạt động này, vừa tròn kỉ niệm 110 năm. Lớp 12, nhưng có lẽ lớp mình máu chiến hơn mình tưởng rất nhiều, từ quyết tâm phục thù lại thi hát đồng ca, dựng kịch, cast diễn viên, tập cheer, làm thơ (đây cũng là lúc bài thơ đầu tiên của mình ra đời, may mắn được đón nhận rất nồng nhiệt từ trường và đặc biệt là các bạn cùng khóa, nyc mình còn phải khen cơ mà =))))) ) và viết kỷ yếu. Vì mình bận nên mình đã từ chối vụ tham gia vào kịch bản cho đêm diễn cuối, thế nên làm gì có chữ nào hay góp ý nào của mình đâu, trừ việc mình có xem chúng nó đi cast và tập diễn, nhưng mà dù có thế thì nói thật là mình tự hào về nó như thể mình cũng viết nó vậy. Câu chuyện kể về mối tình thời chiến của Thành và Thu không chỉ làm mình buồn cười do cái hội diễn viên vừa dở hơi vừa lầy lội, mà còn thực sự khiến mình cảm động. Dù nó có bị chê là văn quá, rườm rà quá, mình vẫn cảm thấy nó là kịch bản đẹp nhất, bởi lẽ chiến tranh đâu chỉ có chiến thắng khải hoàn, rồi cờ lọng vẫy tung bay các thứ đâu, nó có những nỗi buồn rất cá nhân, rất ích kỷ dù biết ấy là việc nên làm. Thu đã chờ Thành rất lâu, dù có lẽ cô biết chắc Thành chẳng quay về được, ở cái đoạn vid cuối, khi câu "Biết đâu ngày ấy anh về" vang lên, có hình ảnh thấp thoáng bóng dáng Thành ngoài sân và Thu chạy ra ôm, mình nghĩ mình đã thật sự có thể khóc được. Đến giờ mình không xin lại được cái vid đấy nữa, nhưng mình vẫn rất nhớ, rất nhớ. 

Giờ thì thi thoảng mình vẫn thấy chúng nó trêu nhau là Thành và Thu, rồi đòi phần 2 về con của Thu trên cmt post của cái đứa lớp mình viết kịch bản, tự dưng mình thấy lòng nhói lên một tí. Bởi vì mình phát hiện ra mình sẽ không còn làm được những thứ như thế nữa, và có làm cũng sẽ không phải nhưng cảm giác đấy, cảm giác được sơn lều giả hầm chống bom, cảm giác đeo mặt nạ để trở thành Edgar Degas, cảm giác phải ngồi giả ru con và bị anh Hộ "fake" càu nhàu dăm ba chuyện hóa đơn,... Ngoảnh đầu lại mới thấy, hóa ra mình đã làm được nhiều thứ thật, và mình yêu chúng nó quá, yêu đến mức nếu ngày mai thức dậy, nếu được lựa chọn thì mình sẽ về Chu Văn An chỉ để viết một cái kịch bản, chỉ để quay phim, rồi chỉ để lớp mình cảm thán với nhau cũng được, không đòi hỏi gì hơn. Nhưng đồng thời mình cũng cảm thấy biết ơn nữa, vì thật sự những điều mà mình đoán mọi người sẽ bảo mình nhắng nhít này là những cơ hội giúp mình luyện tập. Mình của ngày hôm nay đã có thể thiết kế một bài thuyết trình về vấn đề xã hội rất gọn gàng rồi, âu cũng là thành quả của 3 năm tập luyện.

Mỗi lần đọc lại bài thơ này và nghe những đoạn nhạc chúng nó trích vào kịch, mình lại thấy bồi hồi, như thể trước mắt mình là hình ảnh của Chu Văn An những năm kháng chiến thật, có anh Thành ở Huế gặp chị Thu ở CVA Hà Nội thật, có những là thư không bao giờ tới được với người kia thật, có một dòng sông phẳng lặng vang tiếng hò thật,... Những "hạt giống đỏ" của Huế năm đó đã đi qua những khoảng sân mình từng đi, đã ngồi học ở những phòng học mà mình từng ngồi,... Thế đó, điều kỳ diệu nhất của CVA, vẫn là cái cách nó ghi dấu hàng ngàn thế hệ lên từng lớp vỏ thời gian của nó, để dù có là cô nữ sinh khóa 109 của trường, mỗi khi nhìn ra ngoài cửa sổ, mình vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng của một cô gái nào đó đã từng học, và cũng đã từng hy sinh nơi chiến trường khốc liệt (cái này là mình viết trong bài về nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm đăng trên kỷ yếu 110 năm của trường). 

"Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê,

Tóc thề thả gió lê thê

Biết đâu ngày ấy anh về."


Nhấn để mở bình luận

Những Mùa Táo Nở Hoa