Những Mùa Táo Nở Hoa


Không biết tại sao, hay là do tính toán của facebook tiktok hoặc tại mình ấn vào các bài viết mà các trang mạng xã hội cua mình đầy rẫy những thông tin tiêu cực về những việc xảy ra gần đây. Là một người có quan tâm tới sức khỏe tâm thần, đã đọc 2 quyển sách về tâm lý của bác Giang và có cả đi dự những buổi nói chuyện của người bị trầm cảm, với mình, việc tự tử không còn là một cái gì đó bồng bột và bất hiếu như mình thấy người ta nói. 

Câu chuyện của bé trai đó không phải là một câu chuyện hiếm trong cái xã hội lúc nào cũng quay cuồng trong một cái guồng bất tận này. Nhưng nó dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh về cách mà bố mẹ  và gia đình đang đối xử với con cái của mình. Có người cảm thông nhưng cũng có người chê bai dè bỉu. Hầy, thực ra cũng đâu thể chửi mắng những người chê bai dè bỉu, vì rõ ràng họ cũng là nạn nhân của sự giáo dục thiếu thốn trong một thời buổi mà người ta đến lo vật chất còn chẳng xong. Họ nói là phải đòn roi, phải áp lực thì mới ổn, nhưng có lẽ họ bất ổn hơn họ tưởng. Như bố mẹ mình đây, những người thành đạt, cũng có một cuộc sống vừa đủ đầy, vẫn bị những vấn đề tâm lý dày vò mà cả hai đều không ý thức được điều đó. Bố mẹ mình đã từng không biết gì về trầm cảm, về bệnh tâm lý, cho đến khi một người quen bị bệnh và phải chữa bệnh. Hành trình của cô ấy, đã khiến những người lớn xung quanh mình hiểu được rất nhiều điều về căn bệnh đó, và khi ngồi nói chuyện lại với mẹ về cậu bé kia, mình thấy nhẹ nhõm làm sao khi mẹ hiểu và thay vì trách cứ cậu bé, nói rằng chắc là em đã phải dằn vặt và chịu nhiều tổn thương lắm. 

Mình biết dạy con là một câu chuyện rất khó, mình biết làm cha mẹ thì ai cũng mới chỉ lần đầu, có những khi đánh mắng là chuyện không muốn. Mình đã chia sẻ một bài viết về chuyện có nhiều người cho rằng phải có bạo lực mới nên người, và có nêu ý kiến của mình rằng "AI cũng cần phải bị đánh" là một cụm từ ngu dốt, vì rất nhiều người đã đang phải chịu những tổn thương gắn liền với tuổi thơ của mình. Cô giáo cũ của mình có cmt, cô bảo có phải cứ đánh mắng là bạo lực, rằng nếu ko dạy đứa trẻ sẽ trở nên hư hỏng, rằng những người trẻ như mình đang không cho bố mẹ lựa chọn, không thông cảm cho bố mẹ. Câu đó làm mình buồn, vì một, cô là một người giáo viên mình rất quý nên mình ko nỡ cãi nhau với cô trên mạng, hai, mình buồn vì cô là giáo viên mà cô lại nghĩ như vậy và nói chuyện với mình như vậy. Bạo lực chưa bao giờ nên được xem là thượng sách, là một phương pháp không thể thiếu trong việc dạy dỗ con cái, bạo lực chỉ là thứ khi chúng ta nóng giận không kiềm chế được thì bộc phát thôi. Không đánh con cái không có nghĩa là không dạy dỗ, không uốn nắn nó, có vô vàn cách khác để chỉ ra cho nó rằng nó sai, có vô vàn cách để phạt chứ không phải đánh đập và nhiếc móc bằng những lời tệ hại. Người ta chuộng bạo lực vì nó nhanh gọn, chứ không phải bởi vì nó có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề. Nếu xã hội tiến lên, chúng ta cũng nên đi từ những gì cổ hủ lạc hậu sang văn minh hơn chứ, hà cớ gì phải ghim chặt bản thân ở những lề thói đã được chứng minh là có để lại hậu quả tệ hại về lâu về dài. 

Phụ huynh muốn con cái mình cảm thông cho nỗi vất vả của họ, nhưng lại quên mất dạy con mình cách để cảm thông với người khác. Cha mẹ không thể đòi hỏi ở con cái một năng lực mà bản thân họ còn không hề có. Cha mẹ đã bao giờ cảm thôn với con mình chưa, đã bao giờ đặt mình vào vị trí của chúng, đã bao giờ dạy chúng điều tương tự? Trẻ con có nên cảm thông cho người lớn không, có chứ, mình nghĩ là nên, nhưng với điều kiện bố mẹ chúng cũng cảm thông và dạy chúng điều tương tự. Một cuộc đối thoại mở giữa hai thế hệ để tháo gỡ khúc mắc thay vì chì triết và dùng đòn roi là một điều rất nên được phổ biến. Tình trạng sức khỏe của mình xuống cấp trầm trong trong khoảng đầu năm 2 đầu năm 3, nhưng rồi sau những cuộc đối thoại với mẹ, dù nỗi bất lực và sợ hãi vẫn tồn tại, mình thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều so với việc bị gạt phắt đi và nhận xét là chỉ đang ăn vạ trước những khó khăn của cuộc sống. 

Mình có thương phụ huynh không, có thương bố mẹ mình vì đang phải vừa lo cho mình ăn học vừa cố gắng thấu hiểu mình không? Có chứ, mình thương chứ, nhưng mình chỉ cảm thông được cho bố mẹ cũng bởi ở chiều ngược lại, bố mẹ cảm thông và không dùng đến bạo lực ngôn từ với mình thôi. 

Thế giới đã đủ mệt nhọc rồi, ngoài kia vẫn còn đủ thứ hỗn loạn đang diễn ra, thế thì tại sao khi về đến nhà rồi vẫn còn muốn làm khổ nhau làm gì nữa? Đánh mắng một đứa trẻ có thể là một chuyện dễ dàng, có thể khiến nó từ bỏ một ý định xấu, có thể ừ, cũng là nỗi đau lòng của cha mẹ chứ không sung sướng gì như cô mình nói, xong với mình, vẫn chỉ nên là một là không tồn tại, hai là hạ sách do giận quá mất khôn mà ra, chứ không phải một thứ bảo vật xài thoải mái để đạt được mục tiêu trước mắt nhưng gây ra hậu quả về lâu về dài. 




ps nhỏ: thực ra nhiều người không ý thức được khi nóng giận lên mà dùng bạo lực có thể gây ra nguy hiểm đến như thế nào cho con cái đâu. Khi cơn giận che mắt, chúng ta không đánh mắng trẻ con "nhẹ nhàng" như chúng ta nghĩ. Có người chỉ vì giận, muốn đánh mà suýt chút nữa đã bóp cổ chết con mình, có người thì nói bằng những ngôn từ nặng nề đến mức cho tới năm con mình 40 tuổi, khi đã có hai đứa con người ta vẫn còn nhớ và thi thoảng vẫn mang ra lầm bầm chửi rủa. Và trên hết, mình để ý thấy rằng những người có bố mẹ hà khắc và dùng nhiều đòn roi sẽ trở thành những người cực kỳ nóng tính, dễ cáu gắt, việc gì cũng chỉ biết mắng mỏ và động tay động chân với người khác, đàn ông thì trút giận lên phụ nữ, phụ nữ thì trút giận lên con cái, tất cả trở thành một cái vòng luẩn quẩn không tài nào dứt ra được...


Nhấn để mở bình luận

Những Mùa Táo Nở Hoa